Phân loại rác thải tại nguồn: ‘Khó nhưng dứt khoát phải làm’

Phân loại rác thải tại nguồn: 'Khó nhưng dứt khoát phải làm'

Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong sản xuất kinh doanh, việc khởi động và nhân rộng chương trình phân loại rác tại nguồn được coi là “nút thắt” quan trọng nhất trong quản lý rác thải nhựa.

11 năm sau khi Dự án 3R kết thúc, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội – URENCO Hà Nội, với sự tài trợ vốn từ Unilever Việt Nam đã khởi động chương trình Quản lý, phân loại và thu gom rác thải tại nguồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Tại Việt Nam, đến nay, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng từ việc quản lý, phân loại, thu gom rác thải tại nguồn cho đến đầu ra cho thành phẩm từ rác tái chế vẫn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế hỗ trợ. Lời giải nào cho bài toán phân loại rác tại nguồn được thực hiện tối ưu? Liệu việc phân loại rác có một lần nữa phải dừng lại sau khi hết vốn tài trợ?

Bàn về vấn đề này, PV Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng.

Phân loại rác thải tại nguồn: 'Khó nhưng dứt khoát phải làm'
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng.

Thưa bà, thời điểm hiện nay, bà đánh giá như thế nào về vai trò của hoạt động phân loại rác tại nguồn trong việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam?

Phải khẳng định rằng việc phân loại rác tại nguồn có vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ với Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta đang thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, việc này giúp tiết kiệm, nâng cao năng suất, gia tăng giá trị kinh tế. Tức là không thải đi đâu cả, tất cả đều được tái chế quay lại trở thành nguồn cung cho nền kinh tế.

Xu hướng này được thế giới đã và đang thực hiện rất hiệu quả. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh, khẳng định rác phải là ngành có tiền, trở thành nguyên liệu cho các ngành khác.

Phân loại rác thải tại nguồn: 'Khó nhưng dứt khoát phải làm'
Để biến rác thành tài nguyên thì bắt buộc phải phân loại, có thể phân loại thủ công hoặc sử dụng máy móc.

Việt Nam đã triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn từ năm 2006. Tuy nhiên, dự án lại nhanh chóng bị “chết yểu”. Theo bà, giải pháp kịp thời là gì để chúng ta có thể nhanh chóng cởi được “nút thắt” này?

Đầu tiên, có thể chia những đối tượng cần được phân công phân loại rác thành 3 nhóm. Nhóm cấp 1 là đối tượng đầu nguồn, chính là người dân. Nhóm cấp 2 là các đối tượng lưu thông rác, thu gom, vận chuyển rác. Cả 2 nhóm này đều cần có ý thức và điều kiện thực hiện. Trong đó, nhóm 1 nghiêm túc phân loại rác, nhóm 2 khi nhận rác không được trộn rác đã được phân loại từ nhóm 1 và phải có công cụ để làm việc đó. Nhóm cấp 3 tiếp nhận rác, quán triệt nhóm này nếu như rác không được phân loại thì không nhận.

Thứ hai, về mặt quản lý, nếu làm tốt cần có cơ chế khuyến khích, làm không tốt phải có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Chúng ta có thể dùng luôn tiền tái chế được để quay lại sử dụng nhằm khuyến khích dân chúng, đưa mọi thứ vào nề nếp. Ở tầm vĩ mô cần phải có chính sách, yêu cầu các địa phương đều phải thực hiện như nhau, giao trách nhiệm cho những người đứng đầu từng phường, xã, thôn… làm không tốt sẽ phải chịu trách nhiệm.

Nhà nước phải có cơ chế để tiêu thụ sản phẩm tái chế, tạo điều kiện cho những người tham gia vào dây chuyền tái chế phế liệu, đảm bảo cho các sản phẩm họ sản xuất ra không bị ế. Giai đoạn đầu có khó khăn, cần tạo điều kiện về đất đai, về thuế để toàn dân hăng hái tham gia vào việc tái chế.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch rác cũng phải đi trước. Những loại rác nguy hại cần phải có phương pháp xử lý riêng như rác thải chứa chất phóng xạ, rác thải y tế… Việc quy hoạch phải xác định rõ việc rác để ở đâu, cái nào đốt, cái nào chôn lấp, cái nào để lại tái chế?

Về lâu dài, chúng ta cần thay đổi thói quen, dùng những bao bì tự tiêu hủy. Những thứ không tiêu hủy được thì phải chặn đầu nguồn nhập, kết hợp đánh thuế thật cao. Các cơ quan cần phải kiểm tra rất sát, ví dụ nếu nhập loại nhựa này phải giải trình sản xuất cái gì, có được phép hay không? Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ việc này, giao cho kiểm tra thường xuyên, đến siêu thị xem thế nào, đến các vùng nông thôn, đến cửa khẩu, phải thường xuyên kiểm tra nếu không rất dễ “đánh bùn sang ao”, người dân không tin tưởng.

Tôi cho rằng, việc phân loại rác nói là dễ thì không dễ, khó cũng không khó nhưng dứt khoát ta phải làm, trong vòng 1-2 năm sẽ khó nhưng trong vòng 5 năm với tổng thể các biện pháp nói trên, cùng sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng đặt dưới sự quản lý của Nhà nước thì tôi cho rằng sẽ làm được.

Gần đây, báo chí phản ánh nguyên nhân chính khiến dự án phân loại rác tại nguồn trước đây không thể tiếp tục duy trì là do hết chi phí tài trợ từ JICA – Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản khi dự án kết thúc. Kinh phí có phải là yếu tố quyết định sự thành bại của hoạt động phân loại rác tại nguồn không, thưa bà? 

Tôi rất tiếc khi dự án thất bại trong khi nguồn kinh phí “rót” cho dự án không hề nhỏ. Dự án dừng lại, toàn bộ công sức đổ bể. Theo tôi, thất bại không phải do kinh phí mà do ý thức, cách thức người thực hiện.

Theo nguyên tắc, thực hiện dự án phải bền vững, cần phải có dự toán, kế hoạch cụ thể. Hơn nữa, phải khẳng định rằng có phần lấy lại từ dự án để bán rác lấy tiền. Vì thế mới có cả “tiểu đoàn” ở Sóc Sơn đi từ 1h đêm đến 4h sáng đem rác về phơi rồi bán.

Lý do dự án thất bại vì thiếu kinh phí là chưa thuyết phục, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân thất bại. Tôi yêu cầu phải công khai toàn bộ về dự án cũ, làm bao nhiêu tiền ở địa phương nào, làm như thế nào, ai chủ trì? Sau đó đánh giá một cách minh bạch, công khai. Chỉ có như vậy mới rút được những bài học để triển khai dự án mới.

Tôi hi vọng rằng, với bài học kinh nghiệm từ chương trình phân loại rác trước đây, lần trở lại này URENCO Hà Nội có thể làm đến cùng và thành công. Trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình thực hiện rộng ra nhiều quận, huyện khác, thậm chí là toàn Thành phố.

Phân loại rác thải tại nguồn: 'Khó nhưng dứt khoát phải làm'
Người dân đem rác đến đổi quà tại chương trình thí điểm trong đề án phân loại rác tại nguồn do Urenco cùng Unilever Việt Nam phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện.

Được biết, TP Hà Nội đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày – đêm, đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn. Rác đã phân loại sẽ là đầu vào của nhà máy điện rác này. Theo bà, đây có phải là lời giải hiệu quả cho bài toán phân loại rác tại nguồn không?

Chúng ta biết rằng nhà máy điện rác không có nghĩa là đốt tất cả các loại rác đem đến. Chỉ có một phần là nguyên liệu của việc đốt, ví dụ như túi nilon sẽ được tái chế làm vật liệu tái sinh, sỏi đá làm vật liệu xây dựng, rác hữu cơ làm phân bón… chỉ đốt những gì cần đốt và tạo ra điện. Chương trình phân loại rác mà URENCO Hà Nội thực hiện triển khai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tôi cho rằng chỉ dựa vào nguyên liệu rác của riêng Hoàn Kiếm là không đủ.

Để biết hiệu quả của nhà máy điện rác này đối với chương trình phân loại rác đang triển khai, cần đánh giá toàn diện về các chỉ tiêu kỹ thuật, có đảm bảo chất lượng hay không, về mặt xã hội đốt rác sẽ gây ô nhiễm xung quanh như thế nào? Chúng ta phải đánh giá tác động, không thể để dự án có vấn đề, thất bại thì dân chịu, Nhà nước thất thu.

Việc thành phố cho triển khai xây dựng lò đốt là rất tốt, nhất là với sức ép gia tăng rác thải tại đô thị lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra, giám sát làm rõ chất lượng, hiệu quả lò đốt ra sao, nhập công nghệ nào? Nhiều bài học nhãn tiền cho thấy, Việt Nam từng nhập công nghệ rất cũ kỹ, lạc hậu, ngược lại chính là nguồn gây ô nhiễm.

Đối với Dự án “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội” nói trên, bà có kiến nghị gì để chương trình phát huy hiệu quả tối đa? 

Theo tôi, Dự án này cần phải công khai minh bạch về nội dung dự án, kinh phí, các hạng mục, ai là người chủ trì làm rõ hiệu quả đầu tư, dòng vốn bao nhiêu, rót vốn như thế nào, chi cho dự án này thì thu lại như thế nào?… Công khai toàn bộ thông tin của dự án để cả người dân và cơ quản quản lý giám sát thì quá trình thực hiện sẽ hiệu quả hơn.

Hơn nữa, để khuyến khích hoạt động hiệu quả công tác thu gom, xử lý, tái chế rác, thì rất cần xã hội hóa, nhưng nhất quyết phải có sự giám sát chặt chẽ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo
Gọi điện