Chất thải nhựa đang là vấn đề môi trường nhức nhối của hầu hết các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam. Ai cũng biết rằng rác thải nhựa mang đến nhiều nguy hiểm, nhưng cụ thể tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống và môi trường ra sao? Hãy theo dõi bài viết sau để nhìn nhận rõ hơn, từ đó cùng chung tay khắc phục hiểm họa này ngay hôm nay!
1. Nguồn gốc phát sinh rác thải nhựa
1.1. Rác thải nhựa là gì?
Rác thải nhựa là những vật dụng làm bằng nhựa, chủ yếu là nhựa PE bị thải ra môi trường sau quá trình sử dụng. Cụ thể như túi nhựa, ống hút nhựa, vỏ chai nước, vỏ chai mắm, muối, các chất dẻo tổng hợp,…
Rác thải nhựa sẽ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời, tuy nhiên thời gian để chúng phân hủy phải tính bằng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.
1.2. Tình trạng rác thải nhựa hiện nay
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc về tình hình rác thải trên thế giới cho thấy: mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và 40% nhựa được sản xuất ra không được sử dụng đến. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 1.8 triệu tấn nhựa với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa đổ ra biển.
Có thể nói, tình trạng sản xuất, tiêu dùng và thải đồ nhựa đang tăng lên không ngừng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì chẳng mấy chốc môi trường sẽ ngập tràn toàn rác thải nhựa.
1.3. Nguồn gốc của rác thải nhựa
Rác thải nhựa sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu đến từ:
- Rác thải sinh hoạt như túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa,… của các hộ gia đình.
- Rác thải từ hoạt động sản xuất, thi công trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp…
- Rác thải nhựa từ các hoạt động tại các khu du lịch, dịch vụ như cốc nhựa dùng 1 lần, ống hút, chai lọ, hộp đựng thức ăn…
- Rác thải y tế sinh ra từ các hoạt động chuyên môn như kim tiêm, găng tay, chai, lọ thuốc,… và từ hoạt động lưu trú của nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…
- Rác thải bao bì vận chuyển, túi gói hàng order Trung Quốc, hộp nhựa đồ chơi,…