Hiện nay, có rất nhiều nước trên thế giới cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhập khẩu phế liệu đang bị lợi dụng và biến tướng (từ phế liệu có thể tái chế thành rác thải độc hại), biến Việt Nam trở thành bãi rác lớn của thế giới
Theo các nhà bảo vệ môi trường, việc “chuyển dịch phế thải” là một xu thế. Tuy nhiên, bất kỳ nước nào nếu mất “cảnh giác”, kiểm soát thiếu chặt chẽ thì lập tức rác thải sẽ tràn vào.
Phải nhìn nhận, việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là một chủ trương đúng, nhất là trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên trong nước đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Thực tế lâu nay, rác thải các loại nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới đã và đang len lỏi khắp đường làng, ngõ phố ở nước ta. Giấy vụn, đồ nhựa, sắt thép phế liệu… đổ về các làng nghề tái chế, rác điện tử – điện lạnh thì được “mông má” rồi tung ra thị trường. Số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, trung bình mỗi năm, lượng rác thải điện tử nhập khẩu bất hợp pháp vào Việt Nam khoảng 90.000 tấn (chủ yếu là đồ gia dụng).
Không phủ nhận, mặt tích cực của việc thu gom, tái chế phế liệu là góp phần làm sạch môi trường, tận dụng được các sản phẩm từ rác thải, tiết kiệm nguồn tài nguyên; đồng thời tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, với động cơ vụ lợi của một vài doanh nghiệp và cách làm manh mún của người dân và việc thiếu một quy hoạch tổng thể, khiến việc nhập khẩu phế liệu đang trở thành một nguy cơ.
Việc nhập khẩu những loại phế liệu không đúng quy định tiềm ẩn những nguy cơ về dịch bệnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, thậm chí với những chất thải độc hại nhập khẩu, dẫn đến ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe con người. Đơn cử, vụ 7.000 lít dầu biến thế ở cảng Cái Lân (Quảng Ninh) cách đây chưa lâu, mang danh là nhập dầu biến thế, nhưng thực chất là chất PCB, một loại hóa chất có độc tính rất cao, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có khả năng di chuyển và phát tán rộng, đồng thời hấp thụ dễ dàng trong các cơ thể sống.
Thấy rõ sự nguy hại của rác thải phế liệu, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt mà một số đơn vị, tổ chức, người dân đã bất hợp tác, đồng thời tìm mọi cách để lách luật (thậm chí cố tình phạm luật), hoặc dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các lực lượng chức năng.
Đáng báo động, tình trạng nhập khẩu phế thải độc hại đang rất phổ biến, nhưng số vụ bị phát hiện và buộc phải tái xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Rất dễ hiểu, khi các doanh nghiệp nước ngoài đẩy được phế thải độc hại ra khỏi đất nước họ, thì không dễ gì họ đồng ý tái nhập trở lại. Còn với các doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu trong nước, khi bị truy cứu, buộc phải tái xuất, khắc phục hậu quả, thì họ dùng nhiều chiêu bài tinh vi hòng trốn tránh trách nhiệm.
Nhìn lại các vụ việc nhập khẩu phế liệu được phát hiện thời gian gần đây, có thể thấy các loại phế liệu công nghiệp, phế liệu là đồ điện tử đa số đã lạc hậu về công nghệ nhưng vẫn còn khả năng tái chế sử dụng. Thực chất, đó là những chất thải mà lẽ ra các nhà sản xuất ở nước ngoài phải bỏ tiền ra xử lý, nhưng họ đã lợi dụng kẽ hở ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam để biến nơi này thành bãi chứa chất thải độc hại. Những hậu quả từ việc rác ngoại xâm nhập vào Việt Nam khó có thể thống kê được. Cái lợi thì hữu hạn, chỉ rơi vào một nhóm người, tổ chức, còn hiểm họa về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người thì vô hạn và việc giải quyết hậu quả cũng phải qua nhiều thế hệ.
Qua các vụ nhập lậu rác ngoại vừa bị phát hiện, có thể khẳng định, dù Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất phải do Thủ tướng quy định, nhưng sau thời điểm Luật này có hiệu lực, một số doanh nghiệp lại tiếp tục tìm mọi cách lách luật để tuồn các phế liệu độc hại vào nước ta.
Cần khẳng định rằng, việc ngăn chặn buôn bán, nhập khẩu phế liệu, phế thải nguy hại chỉ mang lại hiệu quả khi thực hiện nghiêm các quy định của luật pháp Việt Nam, trong đó phải được ngăn chặn ngay từ nơi xuất. Vẫn biết, việc triển khai thực hiện thật không đơn giản, nhưng nó sẽ góp phần quan trọng hạn chế những mối nguy khôn lường từ phế liệu nhập khẩu.