Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc năm 2018 cho biết: từ năm 1950 đến nay, sản lượng nhựa trên thế giới đã tăng từ 1,5 triệu tấn/năm lên đến 380 triệu tấn/năm. Trong đó chỉ có khoảng 9% nhựa được tái chế, 12% bị đốt, còn lại có đến 79% rác thải nhựa xử lý theo kiểu chôn lấp hoặc bị thải bỏ ra môi trường.
Chính những rác thải bị bỏ ra môi trường và xử lý bằng đốt, chôn lấp đó đang gây ra rất nhiều nguy hại cho cuộc sống.
2.1. Ảnh hưởng của rác thải nhựa đến chính sức khoẻ con người
Rác thải nhựa khi bị thải ra môi trường hoặc bị chôn lấp thì theo thời gian sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa với nhiều kích cỡ micro, nano, pico… khác nhau.
Những mảnh vi nhựa này sau đó sẽ lẫn vào môi trường nước, đất, không khí… khiến cho các sinh vật biển ăn phải. Tiếp đến, con người ăn các loại sinh vật này và sẽ gián tiếp đưa hạt vi nhựa vào cơ thể, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.
Còn với rác thải nhựa được xử lý theo hình thức đốt thì sẽ sinh ra các khí độc bao gồm dioxin, furan… làm ảnh hưởng tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư…
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội): Nhiều sản phẩm nhựa kém chất lượng trong quá trình sử dụng sẽ sản sinh ra BPA là chất độc hại, gây ra các bệnh lý nguy hiểm ở người như vô sinh, tiểu đường, ung thư…
2.2. Ảnh hưởng đến hoạt động sống của sinh vật biển
Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các sinh vật khác trên trái đất, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là với sinh vật biển.
Rác thải nhựa khi đổ ra biển sẽ gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học, làm chết các sinh vật biển nếu chúng không may bị mắc vào hoặc ăn phải.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính đã có hơn 100 triệu động vật biển đã chết do rác thải nhựa. Trong đó có hơn 260 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải rác thải nhựa, trong đó có cả những sinh vật to lớn như cá voi.
Hẳn chúng ta chưa thể quên được hình ảnh ám ảnh về một chú cá voi khi chết dạt vào bờ biển và trong bụng chứa toàn là rác thải nhựa.